GD&TĐ – Sau một năm thực hiện thí điểm giáo dục STEM, cả thầy và trò đã có những trải nghiệm tích cực…
Dù làm công tác quản lý nhưng thầy Phạm Chí Công, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ An 2, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) vẫn tham gia vào việc áp dụng giáo dục STEM trong giảng dạy. Thầy Công cho biết: “Tôi dạy 2 tiết/tuần. Sau một năm, tôi nhận thấy sự thay đổi tích cực ở bản thân là được nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc tiếp cận nhiều tài liệu tập huấn và triển khai giáo dục STEM. Bản thân tự tin hơn trong giảng dạy và xây dựng các chủ đề dạy học, có cái nhìn tích cực và đa chiều về việc thực hiện chương trình giáo dục”.
Tại Trường Tiểu học Bình Thủy (TP Cần Thơ), sau một năm thực hiện thí điểm giáo dục STEM, cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Nhung cũng nhận thấy giáo viên tự tin, chủ động và linh hoạt sáng tạo hơn trong việc tổ chức dạy học trên lớp.
Năm học vừa qua, Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Cần Thơ) đã tổ chức hơn 18 chủ đề giáo dục STEM cho 5 khối lớp. Nhà trường duy trì 3 hình thức: “Bài học STEM”, “trải nghiệm STEM” và hoạt động nghiên cứu khoa học.
Qua triển khai, cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng, thầy cô sẵn sàng cùng các em tạo ra sản phẩm có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống. Các buổi họp tổ khối cũng trở nên sôi nổi hơn, giáo viên tích cực thảo luận để tìm ra nội dung tích hợp, phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực và khả năng tự chủ hơn trong quá trình học tập.
Tương tự, Trường Tiểu học Giai Xuân 1, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã triển khai giáo dục STEM trong giảng dạy cho 21 lớp từ khối lớp 1 – 5, với hơn 42 “bài học STEM”. “Kết quả sau một năm thí điểm cho thấy giáo viên chủ động và sáng tạo hơn trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Đặc biệt, thầy cô chú trọng vào việc phát triển các kỹ năng cá nhân của học sinh và giúp các em học cách làm việc nhóm và giao tiếp mạnh dạn, tự tin hơn”, cô Nguyễn Ngọc Huệ, giáo viên lớp 5 chia sẻ.
Cô Phạm Ngọc Hiếu, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), cho hay: “Giáo dục STEM đã mang đến sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy. Để giúp học trò hứng thú hơn trong mỗi bài học, tôi cùng đồng nghiệp tích cực tìm tòi những cái mới, qua đó phát huy tốt phương pháp dạy học theo nhóm và thực hành, cho phép học sinh tương tác và hợp tác hiệu quả hơn”.
Các “bài học STEM” giúp học sinh áp dụng kiến thức từ môn Toán, Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Nghệ thuật… vào việc giải quyết vấn đề thực tế, từ đó tăng khả năng tư duy và sự sáng tạo của học sinh.
Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, giáo viên lớp 2, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), đồng thời cho hay: Sau một năm thí điểm, học sinh có nhiều cơ hội thực hành và trải nghiệm, giúp học tập gắn kết với cuộc sống hơn. “Các em đã tích cực tham gia vào hoạt động như thảo luận nhóm, kỹ thuật phòng tranh… Sự hứng thú của học sinh thể hiện qua mỗi giờ học”.
Còn theo cô Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường TH Mỹ Quí 1, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), các tiết học ứng dụng giáo dục STEM trở nên sinh động và gần gũi hơn với học sinh. Qua từng bài học, học trò có cơ hội vận dụng kiến thức vừa học vào đời sống hàng ngày, giúp các em phát triển kỹ năng và năng lực giải quyết vấn đề. Bài học STEM còn kích thích sự hứng thú, tìm tòi học hỏi của học sinh trong quá trình học tập, giúp các em tham gia vào quá trình nghiên cứu, sáng tạo và tạo ra các sản phẩm mới, mang tính ứng dụng, gần gũi với cuộc sống.
“Nhiều học sinh nhút nhát và rụt rè đã năng động, mạnh dạn và tự tin hơn trong quá trình học tập và giao tiếp. Các em thể hiện ý tưởng và quan điểm cá nhân trong quá trình tham gia vào các hoạt động nhóm và hợp tác cùng bạn bè. Học sinh cũng được phát triển các kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và tư duy độc lập, từ đó tự tin khi thể hiện ý kiến và giải quyết vấn đề trong môi trường học tập và cuộc sống hằng ngày”, cô Hải chia sẻ thêm.
Nguồn: Tiến Trường (Báo Giáo dục và Đào tạo)